Trong văn hoá Chích_bụi_Nhật_Bản

Hình ảnh chích bụi Nhật Bản là một trong những hình ảnh quen thuộc trong thi ca Nhật Bản và xuất hiện trong những tập thơ nổi tiếng nhất như Vạn diệp tập hay Kokin Wakashū. Trong haikurenga, uguisu là quý ngữ (kigo) báo hiệu chớm xuân. Bên cạnh đó, hình ảnh loài chim này còn gắn liền với hoa mơ ume; cả hai xuất hiện cùng nhau trên những thẻ bài hoa hanafuda, hay hình ảnh kẹo trắng và nâu trong món kẹo ngọt Uguisu-boru cũng tượng tương cho hình ảnh trên. Tuy nhiên, phải đến khi vào xuân đã lâu và hoa mơ đã tàn thì mới nghe tiếng chim hót đặc trưng. Trong haiku, chích bụi lúc có tiếng hót đó là sasako, còn tiếng hót đó được gọi là sasanaki.

Vì tiếng hót quá hay của horornis diphone, chúng từng có tên tiếng Anh là Sơn ca Nhật Bản (Japanese Nightingale) dù cho con horornis diphone không hót về đêm như sơn ca châu Âu. Tên Japanese nightingale đã không còn được sử dụng.

Trong tiếng Nhật, uguisu-jō (jō=nữ) là phát thanh viên ở một trận bóng chày, hay là một phụ nữ đeo microphone quảng bá cho một sản phẩm nào đó bên ngoài cửa hàng. Họ còn được tuyển dụng để thông báo công chúng trước khi bầu cử cho các chính trị gia.

Trong kiến trúc Nhật, có một loại sàn tên là uguisubari. Loại sàn này phát ra tiếng kẽo kẹt nhỏ nghe như tiếng hót trầm của chích bụi Nhật, và được dùng để cảnh báo người đi ngủ rằng ninja đang lại gần. Uguisubari được sử dụng ở đền Eikan-dō, lâu đài Nijō hay đền Chion-in ở Kyoto.

Chất thải rắn của loài chim này có chứa một enzyme mà từ lâu đã được sử dụng trong các sản phẩm làm trắng da hay loại bỏ nếp nhăn. Có lúc nó được bán ra bên ngoài với tên bột uguisu. Chất thải này còn được dùng để loại bỏ vết bẩn trên kimono.